Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi phối hợp với VCCI – Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo xây dựng chương trình đào tạo vận hành và bảo trì tuabin điện gió do Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch tài trợ
Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi phối hợp với VCCI – Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo xây dựng chương trình đào tạo vận hành và bảo trì tuabin điện gió do Liên đoàn công nghiệp Đan Mạch tài trợ
Ngày 11/4/2025, tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã diễn ra Hội thảo xây dựng chương trình đào tạo Vận hành và Bảo trì Tuabin điện gió, với sự phối hợp tổ chức giữa nhà trường và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Cải thiện và nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, do Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch tài trợ.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tham dự hội thảo có sự tham dự của Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, Cục giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; bà Nguyễn Hoàng Phương Khanh, đại diện Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam, chi nhánh HCM; thầy Phạm Duy Đông, phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi; Cô Lê Minh Nguyệt, phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, Ban chủ nhiệm xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề cùng thầy cô phòng đào tạo, khoa điện điện tử trường cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi; Ông Phạm Phú Thọ, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty Festo Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lương, trưởng ca vận hành nhà máy Phong điện 1, Bình Thuận; thầy Trịnh Xuân Bình, trưởng khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp; cô Bùi Thị Thuỷ, phó trưởng khoa Điện – Điện tử trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình; thầy Huỳnh Tấn Phát, giảng viên khoa Điện-Điện tử trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận; cô Nguyễn Thị Kim Hậu, giảng viên khoa Điện-Điện tử Trường cao đẳng nghề Ninh Thuận.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thầy Phạm Duy Đông, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi nhấn mạnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió cả trên bờ lẫn ngoài khơi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao trong lĩnh vực này vẫn còn thiếu hụt. Do đó, việc xây dựng một chương trình đào tạo bài bản, thực tiễn, có khả năng ứng dụng và hội nhập là một nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong giai đoạn hiện nay.
Thầy Phạm Duy Đông, phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi phát biểu tại buổi hội thảo
Với vai trò đơn vị thực hiện, nhà trường đã phối hợp chặt chẽ cùng VCCI-HCM triển khai các hoạt động từ khảo sát nhu cầu, xây dựng chuẩn đầu ra đến thiết kế chương trình chi tiết. Thầy Phạm Ngọc Tuyển, đại diện Ban chủ nhiệm xây dựng chương trình, đã trình bày báo cáo tóm tắt toàn bộ quá trình thực hiện dự án và các kết quả bước đầu trong việc phát triển chương trình đào tạo Vận hành và Bảo trì Tuabin điện gió.
Hội thảo có sự tham dự và điều phối của Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, cùng sự hiện diện của đại diện VCCI-HCM, các chuyên gia đến từ doanh nghiệp năng lượng, giảng viên các trường cao đẳng kỹ thuật trên cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt đánh giá cao kết quả của Ban chủ nhiệm xây dựng chương trình. Ông đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào các yếu tố then chốt như: mục đích xây dựng chương trình, cấu trúc chương trình, kỹ thuật biên soạn, thời lượng đào tạo, tính tích hợp kỹ năng và khả năng nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt trình bày tại buổi hội thảo
Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng ca vận hành nhà máy Phong điện 1, Bình Thuận cho rằng chương trình hiện tại đã bao quát được nhiều nội dung cần thiết cho thực tiễn công việc và rất cần sớm triển khai để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt trong ngành.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu được chia thành hai nhóm thảo luận chuyên sâu, tập trung góp ý vào các mô-đun cụ thể, thời lượng đào tạo, các kỹ năng cần thiết và đề xuất điều chỉnh nội dung phù hợp với thực tế. Nhiều ý kiến đến từ các trường như Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình… đã đưa ra những kiến nghị quan trọng, đặc biệt trong việc tăng cường thời lượng thực hành, bổ sung nội dung về an toàn điện gió ngoài khơi và xu hướng tự động hóa trong vận hành tuabin.
Các thành viên tham dự thảo luận tại buổi hội thảo
Kết thúc hội thảo, Ban tổ chức ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, xác đáng từ cả phía doanh nghiệp lẫn các cơ sở đào tạo. Tất cả các nội dung sẽ được tổng hợp, phân tích và tích hợp vào quá trình hoàn thiện chương trình đào tạo. Mục tiêu là xây dựng một chương trình vừa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, vừa mang tính ứng dụng cao, linh hoạt, dễ triển khai tại các trường nghề trong cả nước, tiến tới nhân rộng mô hình đào tạo phục vụ chuyển dịch năng lượng bền vững của quốc gia.
Ban truyền thông VCMI
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo