Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) đơn vị đi đầu trong đào tạo kỹ năng xanh cho HSSV và người lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh và bền vững của đất nước
Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) đơn vị đi đầu trong đào tạo kỹ năng xanh cho HSSV và người lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh và bền vững của đất nước
Thế giới đang trải qua nhiều biến đổi nhanh chóng và có những thách thức ngày càng lớn về biến đổi khí hậu và môi trường, việc quan tâm và phát triển nền tảng kỹ năng xanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Chuyển đổi sang một “nền kinh tế cacbon thấp” và phát triển bền vững không chỉ đang tạo ra cơ hội việc làm mới mà còn đặt ra yêu cầu về kỹ năng mới đối với công việc hiện tại. Giáo dục nghề nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động có khả năng tham gia vào nền kinh tế xanh. Xanh hoá giáo dục nghề nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm và đòi hỏi sự đổi mới trong cách giáo dục và đào tạo. Trong đó kỹ năng xanh đóng vai trò quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách của người lao động trẻ với nhu cầu của thị trường lao động ngày càng thay đổi nhanh chóng. Kỹ năng xanh không đơn thuần là việc hiểu biết về phát triển bền vững mà còn liên quan đến khả năng áp dụng các giải pháp sáng tạo và hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tài nguyên. Đây là lý do tại sao giáo dục nghề nghiệp cần phải thay đổi và cập nhật theo hướng xanh hoá hơn.
Trong khuôn khổ Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam” Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) được CHLB Đức đầu tư xây dựng trở thành “Trung tâm đào tạo nghề xanh chất lượng cao” và là trung tâm vùng của các nước Việt Nam – Lào – Myanma – Campuchia. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện.
Mục tiêu trọng tâm của dự án là Xây dựng Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) trở thành Trung tâm tiêu biểu của Việt Nam thực hiện cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề dựa trên nhu cầu phát triển nền kinh tế Xanh bền vững, đồng thời là trung tâm xuất sắc trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo và là đầu mối kết nối mạng lưới quốc gia và quốc tế về dạy nghề Xanh, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Để thực hiện mục tiêu của dự án bên cạnh các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; chuyển đổi số; chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ trong hoạt động quản lý xưởng thực hành; xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng và quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015…từ năm 2017 Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã hỗ trợ nhà trường xây dựng thành công mô đun cơ bản về “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên” gọi tắt là mô đun Xanh, đồng thời hỗ trợ nhà trường phát triển 02 nghề Xanh mới là nghề “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà” và nghề “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí” theo tiêu chuẩn CHLB Đức.
Mô đun cơ bản về “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên” được tiến hành xây dựng từ tháng 10 năm 2017 dưới sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn quốc tế về đào tạo nghề xanh Tiến sĩ Klaus-Dieter Mertineit và sự hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tháng 12 năm 2018 hội nghị giới thiệu mô-đun cơ bản về “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên” được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện của tổ chức GIZ, đại diện các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, các trường đối tác của GIZ và các doanh nghiệp. Sau khi mô đun cơ bản về “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên” được xây dựng thành công, Nhà trường đã triển khai đào tạo nhân rộng cho các trường cao đẳng trong hệ thống GDNN, các trường thuộc hệ thống GIZ hỗ trợ, các sở Lao động Thương binh và xã hội Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Viện khoa học Dạy nghề Việt Nam, đến nay trường đã triển khai nhân rộng cho 304 giảng viên của 37 cơ sở GDNN và gần 10.000 HSSV và người lao động trên toàn quốc. Hiện tại mô đun Xanh đã được số hóa và tích hợp vào tất cả chương trình đào tạo của nhà trường nhằm trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức, kỹ năng căn bản về phân loại và quản lý chất thải đặc biệt là chất thải nguy hại, sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả. Đây là nền tảng căn bản để người học ứng dụng vào vị trí việc làm tại các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp, là tiền đề cho quá trình Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của các Doanh nghiệp trong quá trình hội nhập Quốc tế.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội nghị giới thiệu mô đun Xanh
Tiến sĩ Klaus-Dieter Mertineit, chuyên gia tư vấn quốc tế về đào tạo nghề xanh giới thiệu quá trình xây dựng mô đun Xanh
Bà Lisa Marie Kreibich – Trưởng Hợp phần 2 – Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam phát biểu tại Hội nghị giới thiệu mô đun Xanh
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng, Tổng Cục GDNN phát biểu tại Hội nghị giới thiệu Mô đun Xanh
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị giới thiệu Mô đun Xanh
Bên cạnh đó chương trình đào tạo 02 nghề Xanh mới là nghề “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà và nghề Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí” được triển khai xây dựng từ năm 2018 dựa trên bộ tiêu chuẩn nghề của CHLB Đức. Để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế của GIZ phối hợp với nhà trường triển khai các hoạt động khảo sát lấy ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam như: Tổng hội xây dựng Việt Nam; Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam; Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình; Công ty cổ phần xây dựng Coteccons; Công ty cổ phần giải pháp tòa nhà thông minh IBS; Công ty cổ phần S.A.E; Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Miền Đông; Công ty cổ phần xây lắp kỹ thuật Việt Vietekcons; Công ty cơ điện – Nhiệt lạnh Việt Nam…
Đoàn chuyên gia khảo sát tại Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hoà Bình
Đoàn chuyên gia khảo sát tại công trình của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons
Đoàn chuyên gia khảo sát tại Công ty cổ phần xây lắp kỹ thuật Việt Vietekcons
Đoàn chuyên gia khảo sát tại Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Miền Đông
Đoàn chuyên gia khảo sát tại Công ty cổ phần S.A.E
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, nhà trường đã phối hợp cùng các chuyên gia quốc tế của GIZ tiến hành xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo cho 02 nghề mới: nghề “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà” và nghề “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí”. Bộ chương trình đào tạo gồm 12 mô đun được thiết kế đảm bảo linh hoạt trong đào tạo và liên thông giữa các trình độ, trong đó: mô đun 1- 6 tương ứng với trình độ trung cấp; mô đun 1 – 10 tương ứng với trình độ Cao đẳng của Việt Nam; mô đun 1 – 12 tương ứng với trình độ cao đẳng theo tiêu chuẩn CHLB Đức. Cả 02 bộ chương trình đào tạo đều đã được lồng ghép các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng Xanh chuyên biệt cho lĩnh vực nghề “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà” và nghề “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí”.
Cấu trúc chương trình đào tạo nghề “Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà”
Cấu trúc chương trình đào tạo nghề “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí”
Tháng 11/2019 Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã đổ chức Hội thảo tư vấn phát triển chương trình đào tạo cho các nghề theo tiêu chuẩn CHLB Đức. Tham dự hội thảo có đại diện Lãnh đạo Tổng cục GDNN; Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai; Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), các hiệp hội, tập đoàn doanh nghiệp đối tác, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Tại hội thảo Đại diện Phòng thủ công nghiệp HWK Aachen CHLB Đức đã trao chứng nhận “Công nhận chương trình đào tạo nghề Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà và nghề Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí do trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi xây dựng tương đương với chương trình đào tạo tại CHLB Đức”. Đồng thời các đại biểu tham dự hội thảo đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về việc triển khai chương trình đào tạo phối hợp và hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Ngài Dennis Thoms đại diện cho Phòng thủ công nghiệp HWK Aachen CHLB Đức trao thư công nhận chương trình đào tạo tương đương với chương trình đào tạo tại CHLB Đức cho Trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi
Đại biểu tham dự hội thảo ký kết biên bản ghi nhớ triển khai đào tạo phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp
Năm 2020 nhà trường triển khai tuyển sinh, đào tạo khóa đầu tiên cho 02 nghề mới theo quy trình đào tạo phối hợp doanh nghiệp. Năm 2023 kết thúc khóa đào tạo, 30 sinh viên khóa đầu tiên đã hoàn thành kỳ thi giữa kỳ (AP1) và kỳ thi cuối kỳ (AP2) dưới sự giám sát của các chuyên gia đến từ phòng thủ công nghiệp HWK Erfurt CHLB Đức và đại diện của khối doanh nghiệp. Những sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp Cao đẳng theo quy định của Việt Nam và được Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cấp chứng nhận “Hoàn thành chương trình đào tạo phối hợp và đạt kỳ thi tốt nghiệp theo tiêu chuẩn CHLB Đức”.
Ông Đặng Quốc Việt, Phó GĐ công ty Cơ điện – Nhiệt lạnh Việt Nam (Vina Engineer) triển khai khóa đào tạo lắp đặt hệ thống thông gió và điều hòa không khí theo chương trình đào tạo phối hợp doanh nghiệp cho giảng viên và sinh viên nhà trường
Ông Ruben Ziehler chuyên gia của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) triển khai khóa đào tạo lắp đặt hệ thống thông gió và điều hòa không khí tại doanh nghiệp cho giảng viên và sinh viên nhà trường
Một số hình ảnh sinh viên học tập tại các công trường theo chương trình đào tạo phối hợp doanh nghiệp
Sinh viên nghề “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí” thực hiện bài thi tốt nghiệp AP2 theo tiêu chuẩn CHLB Đức dưới sự giám sát của chuyên gia quốc tế
Sinh viên nghề Công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà thực hiện bài thi tốt nghiệp AP2 theo tiêu chuẩn CHLB Đức dưới sự giám sát của doanh nghiệp
Hình ảnh Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường và Bà Lisa Duschek đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ trao bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận tương đương theo tiêu chuẩn CHLB Đức cho sinh viên của 02 nghề Xanh mới tại lễ tốt nghiệp năm 2023
Để tổng kết và đánh giá kết quả triển khai đào tạo thí điểm cho khóa 1, ngày 30/10/2023 Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp với Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi tổ chức “Lễ trao chứng nhận quy trình thi tốt nghiệp theo tiêu chuẩn CHLB Đức và chuyển giao 02 bộ chương trình đào tạo định hướng tiêu chuẩn CHLB Đức”. Tại buổi lễ ông Ông Dirk Kittel và ông Kay Töpfer đại diện cho Phòng thủ công nghiệp HWK Erfurt CHLB Đức đã trao chứng nhận công nhận “Nội dung và quy trình thi tốt nghiệp của Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi tương đương với tiêu chuẩn thi tốt nghiệp tại CHLB Đức” trước sự chứng kiến của Tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH; Ông Nguyễn Xuân Ân, Phó Vụ trưởng, Vụ tổ chức cán bộ, Bộ NN&PTNT; Tiến sĩ Juergen Hartwig, giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam.
Ông Dirk Kittel và ông Kay Töpfer đại diện cho Phòng thủ công nghiệp HWK Erfurt trao chứng nhận công nhận quy trình thi tốt nghiệp tương đương với tiêu chuẩn tại CHLB Đức cho trường Cao đẳng Cơ giới và Thuỷ lợi
Chia sẻ những thành công mà nhà trường đã đạt được, tại buổi lễ Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã thực hiện chuyển giao 02 bộ chương trình đào tạo Xanh mới cho 8 trường đối tác của GIZ và cam kết cử cán bộ giảng viên hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình đào tạo cho các trường tiếp nhận chuyển giao.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi chuyển giao chương trình đào tạo Xanh cho các trường trong hệ thống GDNN Việt Nam
Hợp tác quốc tế về đào tạo nghề Xanh đã đem lại cho Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi những thay đổi tích cực và đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhà giáo, cán bộ quản lý, đổi mới chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế nhà trường trong mắt người học cũng như cộng đồng xã hội. Đặc biệt là những hoạt động đổi mới về xanh hóa giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi được xem là trường hợp điển hình đi đầu về đào tạo nghề xanh đã được công bố trên website của UNESCO-UNEVOC và diễn đàn học tập BILT 2021. Đây là sự khởi đầu tích cực, là động lực để thầy và trò nhà trường tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình đào tạo nghề xanh trong nhà trường và cho các cơ sở GDNN trên toàn quốc.
Trong thời gian tới Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI) tiếp tục duy trì những thành công đã đạt được và phát triển hoạt động đào tạo nghề xanh, chuyển giao công nghệ kỹ thuật tới các đối tác, đồng thời lan toả những kiến thức về xanh hoá môi trường và xanh hoá cộng đồng, góp phần đạt được mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng Xanh của Việt Nam giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn 2050 theo định hướng của Chính phủ là phát triển nguồn nhân lực có năng lực đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh./.