Chung tay phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái

Chung tay phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là trở ngại lớn nhất trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Đặc biệt, tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em gái đang ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ những giá trị tốt đẹp của gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội và đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình. Tỷ lệ bạo lực tinh thần còn ở mức cao hơn, 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần. Đồng thời, theo thông tin của Quỹ Dân số LHQ, số cuộc gọi báo cáo về bạo lực gia đình trong thời điểm dịch COVID-19 ở nước ta đã tăng lên khoảng 20%.

Mặc dù trong những năm gần đây, các cấp, các ngành, địa phương trong toàn quốc đã triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động của chương trình hành động bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020. Và trước mỗi vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp can thiệp, xử lý vi phạm. Tuy vậy, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê, 71% nạn nhân buôn người trên thế giới là phụ nữ và trẻ em gái, trung bình cứ 3 phụ nữ có 1 người từng chịu bạo lực. Tại Việt Nam, năm 2016, có 600 phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người.

  1. Thế nào là Bạo lực ?

Bạo lực: Nó là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác (có thể dùng lời nói, hành động có hoặc không có vũ khí…) gây nên những tổn thương tinh thần và thể xác ở phạm vi các mối quan hệ trong xã hội.

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em là một trong những hành vi vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, gây ra hậu quả lớn đối với nạn nhân, gia đình và cộng đồng.

  1. Bạo lực phụ nữ và trẻ em gái hiện nay diễn ra như thế nào ?

Trong xã hội hiện đại, việc bạo lực với phụ nữ không chỉ dừng lại ở việc đánh đập hành hạ thể xác, gây ra những tổn thương về sức khỏe của người phụ nữ mà nó còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Những tổn thương gây ra trên thể xác thì còn có thể có ngày lành, nhưng những tổn thương, những vết cắt sâu trong tâm lý, tinh thần thì mãi mãi vẫn còn đó, in hằn trong tâm trí của những người phụ nữ khốn khổ. Có thể trong một gia đình, người phụ nữ chẳng bao giờ bị đánh đập, nhưng lại bị ép làm những công việc nặng nhọc, không một ngày ngơi nghỉ, cuộc sống tù túng, không được sự an ủi san sẻ, động viên từ những người thân trong gia đình, đặc biệt là từ người chồng. Hoặc họ phải liên tục nghe những lời mắng nhiếc sỉ nhục, thậm tệ xuất phát từ nhiều nguyên nhân như không sinh được con trai, ăn bám,… Phải chịu sức ép từ gia đình chồng hoặc những lời bêu rếu về ngoại hình xấu xí, mập mạp sau khi sinh con. Tất cả đều là những kiểu bạo lực đáng sợ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và tâm hồn của người phụ nữ, trong khi phụ nữ lại là những có thể có tâm hồn vô cùng nhạy cảm, chỉ cần một tác động nhỏ thôi là có thể để lại cho họ những tổn thương sâu sắc.

Gia đình không hạnh phúc, sự thờ ơ, thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh là một trong những nguyên nhân dẫn đến phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, xâm hại. Vì vậy, chấm dứt bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái, gia đình được xem là lá chắn đầu tiên xây dựng nên xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng cho tất cả mọi người. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.

Khác với các loại hình tội phạm khác, đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chủ yếu thường là người thân, quen. Cụ thể, có khoảng 21,3% đối tượng vi phạm là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ hàng; 6,2% là thầy giáo, nhân viên nhà trường; 59,9% là người quen, hàng xóm… Đối với những phụ nữ trưởng thành, đa số đối tượng bị bạo lực đều là bạo lực gia đình. Tuy nhiên, những con số vẫn chưa thể phản ánh hết thực trạng đau lòng, bởi còn có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em đã không được trình báo chỉ vì những lý do khác nhau, như:  gia đình thấy xấu hổ hoặc lo lắng con em họ bị kỳ thị, phán xét… Vì thế, đây vẫn chỉ là phần nổi của cả tảng băng chìm.

  1. Hậu quả của tình trạng bạo lực

Theo các chuyên gia nhận định, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đã gây thiệt hại lớn cho xã hội và sự phát triển chung của đất nước. Gánh nặng của nạn bạo lực xâm hại trẻ em, mà đặc biệt là về sức khỏe hoặc các hành vi gây nguy hại trực tiếp cho sức khỏe ước tính đã gây thiệt hại khoảng 209 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Rõ ràng, vấn nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em gái sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ gây tổ hại đến thể chất, tinh thần cho phụ nữ, trẻ em gái mà còn là mối nguy cơ gây bất ổn cho xã hội. Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và phát triển toàn diện của trẻ em.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc BLGĐ, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh, có những vụ hình sự nghiêm trọng nhưng lại bị thương lượng dân sự. Định kiến với nạn nhân bị bạo lực khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, im lặng chấp nhận và không dám tố cáo. Trẻ em, phụ nữ không được tiếp cận, cung cấp thông tin và kiến thức để tự bảo vệ mình. Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân, những khuôn mẫu, định kiến giới khiến cho nạn nhân thậm chí không dám lên tiếng bảo vệ bản thân và bảo vệ người khác khiến cho vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn.

Năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Tuy nhiên, khi quan niệm về bất bình đẳng giới, sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bất chấp pháp luật vẫn tồn tại; sự thiếu kiểm soát hành vi do những áp lực trong cuộc sống gia đình; công tác quản lý của các cấp, các ngành còn hạn chế; chế tài xử phạt đối với những người gây ra bạo lực còn bất cập… thì vấn đề phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn rất cần sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Hưởng ứng Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực năm 2019 (từ ngày 15/11 đến 15/12) trên phạm vi cả nước với chủ đề: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong nước nói chung và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói riêng, Ban Nữ công trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi, kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh sinh viên trong toàn trường chung tay cùng bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái chống lại bạo lực:

1- Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hãy là một tấm gương mẫu mực trong việc “nói không” với bạo lực phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.

2- Phát huy vai trò và truyền thống quý báu ở mỗi gia đình. Đó chính là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Mỗi thành viên trong gia đình, nhất là người làm cha, mẹ cần trang bị kiến thức cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại, bạo hành…

3- Các tổ chức xã hội: Công đoàn, Đoàn Thanh niên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới; phổ biến những kỹ năng cơ bản về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em để giúp các gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nâng cao nhận thức, kỹ năng, có những hiểu biết cơ bản về cách phòng vệ, tránh bị xâm hại, phòng tránh bạo lực gia đình…đến mọi người xung quanh để giúp họ tự tin hơn và có những ứng xử khéo léo, hợp lý trong cuộc sống hàng ngày; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh.

4-Tích cực vận động cùng nhau xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng từ gia đình, nhà trường đến toàn xã hội. Khi bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân không nên im lặng, hãy lên tiếng để có được sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng.

5-Tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cá nhân trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội xoá bỏ bất bình đẳng giới, đặc biệt đề cao vai trò của thầy cô giáo hãy là chỗ dựa tin cậy nhất để các em học sinh nói chung và học sinh nữ nói riêng có thể chia sẻ những kiến thức, biện pháp phòng ngừa hay những khó khăn cần được giúp đỡ trong công tác phòng tránh bạo lực.

Phụ nữ và trẻ em là để yêu thương và trân trọng! Hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là những hành vi không thể chấp nhận được trong xã hội hiện nay mà cần phải được lên án và loại bỏ, để không cản trở quá trình phát triển xã hội. Vì vậy, chúng ta phải đấu tranh chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là mưu cầu tiến bộ của xã hội loài người, mong muốn cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng. Chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần sự chung tay của toàn xã hội. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái, nhất là xóa dần sự bất bình đẳng về giới trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

     (Bài viết có sử dụng một số thông tin, hình ảnh từ đồng nghiệp và nguồn tham khảo trên Internet)

                                                                                         Ban Nữ công

Thông Báo Mới Nhất

Trong không khí hân hoan chào đón mùa xuân mới, Đảng ủy và Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm chăm lo đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán

Video Clip Hoạt Động