Những “bóng hồng” ngành kỹ thuật…
Những “bóng hồng” ngành kỹ thuật…
Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) đào tạo 2 ngành thuộc dự án Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề – Trung tâm Giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng (sau đây gọi tắt là dự án Đào tạo nghề xanh) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Trong đó, ngành công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà có 3 nữ sinh đang theo học.
Nữ sinh Hoàng Thị Ngọc Hà (phải) và Hoàng Thị Thanh Bình trong giờ thực hành lắp đặt điện. Ảnh: Hải Yến
Vì nhiều lý do, nữ sinh học khối ngành kỹ thuật hiện vẫn khá hiếm hoi. Tuy vậy, qua thực tế học tập và làm việc những “bông hoa” của khối ngành kỹ thuật luôn hài lòng với lựa chọn của mình.
* Mạnh dạn lựa chọn
Nghề công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà và nghề công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí là 2 nghề thuộc dự án Đào tạo nghề xanh, triển khai tại Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi từ năm học 2020-2021. Chương trình do Chính phủ Đức tài trợ, đào tạo tương đương trình độ của Cộng hòa Liên bang Đức.
Mục tiêu của dự án là nhằm xây dựng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi thành trung tâm đào tạo nghề xanh chất lượng cao của Việt Nam, góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế xanh và bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Theo đó, phía Đức hỗ trợ nhà trường nâng cao trình độ giáo viên, hỗ trợ thiết bị đào tạo theo tiêu chuẩn Đức, cử chuyên gia Đức trực tiếp làm việc tại trường. Tất cả các sinh viên tham gia học tập 2 nghề mới này đều được đào tạo bởi đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, được thực tập trên các thiết bị đào tạo hiện đại, khi ra trường có khả năng làm việc tại các công ty nước ngoài.
Hoàng Thị Ngọc Hà, Hoàng Thị Thanh Bình và Đoàn Mỹ Hiền là những nữ sinh đầu tiên tham gia học ngành công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà. Cả 3 đang học năm thứ 3. Tham gia khóa học, ngoài việc được miễn học phí như các sinh viên khác, 3 nữ sinh này còn được nhận học bổng của khóa học lên đến 24 triệu đồng/người. Khoản học bổng này đã phần nào giúp các nữ sinh có thêm tiền để trang trải cho những sinh hoạt cá nhân của mình để yên tâm học tập.
* Góp phần xây dựng tòa nhà xanh
Sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng Thị Ngọc Hà quyết định chọn học nghề công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà. Hà cho biết, dù là nữ sinh nhưng khi tiếp cận ngành học này Hà không gặp phải khó khăn, trở ngại nào mà ngược lại còn cảm thấy khá thú vị; gia đình Hà ủng hộ sự lựa chọn của con.
Đoàn Mỹ Hiền trong giờ thực hành lắp đặt điện. Ảnh: Hải Yến
Trong quá trình học, các nữ sinh được giảng viên và các bạn học nhiệt tình giúp đỡ. Khi đi thực tập tại doanh nghiệp, họ được giao những công việc vừa sức, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công việc.
Hà chia sẻ: “Em được học lập trình các phần mềm, đấu nối hệ thống điện để các mạch điện chạy tự động. Nhìn lại lựa chọn của mình, em thấy mình đã chọn đúng hướng đi. Em cho rằng nếu các bạn nam có thể học và làm được khối ngành kỹ thuật thì cácbạn nữ cũng hoàn toàn có thể đáp ứng được những công việc này”.
Sau 2 năm học, các sinh viên ngành công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà đã có khoảng thời gian 2 tháng thực tập có trả lương tại doanh nghiệp. Bản thân Hà và các bạn thực tập tại 1 công ty sản xuất gỗ ở Bình Dương với vị trí công việc là sửa chữa máy chà nhám. Doanh nghiệp này sẵn sàng nhận sinh viên thực tập ở lại làm việc.
Không chỉ thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên ngành công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà còn được Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi tin tưởng giao nhiệm vụ lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời và hệ thống điện cho tòa nhà 6 tầng đang được xây dựng trong khuôn viên nhà trường.
Thầy Phạm Duy Đông, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi cho biết, đây là tòa nhà thông minh, tiết kiệm năng lượng được xây dựng theo tiêu chuẩn Đức. Mới đây, dự án tòa nhà đã đạt được chứng nhận công trình xanh Lotus Gold (theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ).
Theo thầy Đông, hệ thống pin năng lượng mặt trời và hệ thống điện là một cấu phần quan trọng, góp phần giúp cho dự án tòa nhà đạt được chứng nhận công trình xanh. Sau khi hoàn thành xây dựng, tòa nhà này sẽ được đưa vào sử dụng để đào tạo nghề xanh và một số nghề như: cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp…
Hoàng Thị Thanh Bình cho biết, bản thân em và các bạn cảm thấy rất vui và tự hào khi được góp sức lắp đặt hệ thống năng lượng cho chính trường học của mình.
Trung bình mỗi năm, Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi tuyển sinh được từ 2-3 nữ sinh học ngành công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà. Tất cả đều được cấp học bổng nhằm khuyến khích học tập. |
Theo Hải Yến – Báo Đồng Nai